Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản Hà Nội rơi vào thế khó. Một số dự án mới phải dời lại lịch mở bán so với dự kiến ban đầu vì lo sợ sức mua không có. Trong khi đó, việc tổ chức các sự kiện mở bán phải dừng lại. Giao dịch trực tuyến chỉ hỗ trợ được phần nào chứ không thể thay thế phương thức giao dịch trực tiếp. Có thể nói thị trường đang ngủ nhưng luôn sẵn sàng bật dậy và tăng tốc vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tình hình hiện tại của thị trường bất động sản Hà Nội
Trên thực tế, thị trường bất động sản hiện vẫn đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong việc phát triển các dự án bất động sản chưa được tháo gỡ giải quyết, các địa phương vẫn thận trọng trong xét duyệt dự án. Nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường tiếp tục tình trạng khan hiếm.
Trong quý I năm 2020 tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến khá phức tạp, cũng là nguyên nhân chính khiến các hoạt động trên thị trường bất động sản không diễn ra. Các dự án đang triển khai bị trì hoãn, chậm tiến độ. Nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung. Mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4 năm 2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người dân với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Giá nhà đất sau dịch dự báo khó giảm
Hiện nay, thị trường đang rất ảm đạm và lượng giao dịch mua bán thực tế bị sụt giảm là do dịch bệnh, chứ không phải do thị trường không có nhu cầu hay tình trạng dư thừa nguồn cung. Vì vậy, không thể nói thị trường đang khủng hoảng. Dịch bệnh chỉ diễn ra trong ngắn hạn và bất động sản là lĩnh vực đầu tư dài hạn. Vì vậy, dịch bệnh có thể gây khó khăn trong ngắn hạn, chứ không ảnh hưởng đến dài hạn. Bởi quỹ đất ngày càng hạn chế, khung giá đất tăng, thủ tục pháp lý triển khai bị siết chặt, giải phóng mặt bằng khó khăn, nguồn cung giảm…
Trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của ngành bất động sản năm 2011-2013, đến đầu năm 2014 giá bắt đầu chạm đáy, khiến một số dự án đã phải giảm giá mạnh để giải phóng hàng tồn. Song, thị trường thời điểm đó có quá nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực tham gia và cuộc khủng hoảng kéo dài suốt nhiều năm. Còn hiện tại, theo các chuyên gia bất động sản, thị trường trầm lắng trong quý I/2020 là do ảnh hưởng của chính sách giãn cách xã hội trong mùa dịch. Nhiều người có nhu cầu mua nhà, đầu tư bất động sản thời gian này cũng không thể mua được do chính sách giãn cách xã hội. Mọi người dân được khuyến cáo chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết. Điều này lý giải vì sao dịch bệnh mới xảy ra 2 tháng, thời gian chưa đủ lâu để các doanh nghiệp phải vội vàng giảm giá bán. Mặc dù nguồn cung bất động sản trong năm 2019 đã giảm rõ rệt. Cụ thể, trong năm 2019, số lượng dự án phê duyệt chỉ bằng khoảng 20% so với năm trước và ở Hà Nội là khoảng 25%. Nguồn cung hiện nay đã giảm 3 – 4 lần so với năm trước. Cho thấy tương lai tổng nguồn cung về nhà ở chắc chắn sẽ giảm mạnh. Nguồn cung giảm sẽ khiến giá nhà tăng, nên các nhà đầu tư không nên hy vọng giá sẽ giảm trong thời gian tới. Thực tế, từ đầu năm 2020 giá nhà tại thành phố Hà Nội đã tăng từ 5 – 10%.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu như các dự án ven khu vực trung tâm thành phố Hà Nội mà có thể giải quyết được bài toán về hạ tầng, đường sá lưu thông thuận tiện thì người có thu nhập thấp cũng có thể cân nhắc lựa chọn. Như vậy, hoàn toàn có thể tin rằng chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường bất động sản Hà Nội sẽ có hy vọng sớm phục hồi và nhanh chóng trở thành điểm sáng trên thị trường, dấu hiệu tích cực này đã tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư.